Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Ba Tuần II Mùa Phục Sinh | Ga 3,7b-15 | Phút Cầu Nguyện

SUY NIỆM LỜI CHÚA
THỨ BA TUẦN II MÙA PHỤC SINH

 

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (3,7b-15)

7bKhi ấy, Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng: “Các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. 8Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy”.

9Ông Ni-cô-đê-mô hỏi Người: “Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được?”. 10Đức Giê-su đáp: “Ông là bậc thầy trong dân Ít-ra-en, mà lại không biết những chuyện ấy! 11Thật, tôi bảo thật ông: chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy, nhưng các ông không nhận lời chứng của chúng tôi. 12Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được? 13Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. 14Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, 15để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”.

SUY NIỆM

Lời Chúa nói với ông Nicôđêmô: “Ngươi phải tái sinh lại bởi trời”, có ý muốn nói đến việc tái sinh “bởi trên cao”.

Vào thời Gioan viết Tin mừng đã có những tôn giáo huyền bí nói đến việc tái sinh. Tái sinh theo một giáo thuyết, một tôn giáo lúc ấy là khi con người gia nhập một tôn giáo huyền bí đó thì nhân tính của họ bị coi như tan biến đi, biến đổi hẳn con người của mình và đồng hóa với thế giới thần thiêng, còn cá nhân và bản chất mình thì bị mất hết. Tuy nhiên, chữ tái sinh mà Chúa Giêsu nói trong bài Kinh thánh hôm nay không trong ý nghĩa đó, cũng vì vậy, mà làm cho ông Nicôđêmô - một nhà tiến sĩ luật lúc ấy - khó hiểu và băn khoăn.

Chữ tái sinh trong Tin mừng có nghĩa là người gia nhập Giáo hội Chúa qua bí tích Rửa tội vẫn giữ nguyên bản tính của mình. Bản tính con người đó không hề bị tiêu tan nhưng được chữa lành và tác động bởi Ba Ngôi Thiên Chúa, và cuối đời là được sống với chính Thiên Chúa Ba Ngôi. Cho nên chữ tái sinh “bởi trên cao” có nghĩa là sinh lại bởi Thiên Chúa, trở nên con cái của Thiên Chúa, chấp nhận nguyên tắc sống siêu nhiên, một bản tính mới như nâng hẳn chúng ta lên vượt khỏi điều kiện tầm thường nhân loại: từ thân phận tội lỗi đáng trầm luân mà được nâng lên làm con Thiên Chúa cùng được hưởng gia nghiệp nước Trời. Cho nên tái sinh trong ý nghĩa siêu nhiên là không ai có thể vào nước Trời nếu không tái sinh bởi trời. Chúng ta được tái sinh là qua bí tích Rửa tội. Nguồn gốc việc tái sinh là bởi cái chết trên thập giá của Chúa Kitô, và tin vào ơn cứu rỗi. Với những ý nghĩa này, hẳn là Nicôđêmô chưa thể hiểu được. Cho nên Chúa cắt nghĩa thêm là phải tái sinh bởi Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu ví Người như gió thổi.

Chúng ta không ai tiên đoán được gió sẽ đi đâu, đến đâu và ngưng ở đâu. Chúng ta cũng chẳng thấy được hướng đi của gió. “Gió không có nhà, gió bay muôn phương, biến biệt không ngừng trên trời đất ta... ”, và không ai trong chúng ta thấy được gió. Không biết gió đến từ đâu và đi đâu. Người ta chỉ thấy hệ quả của gió. Hệ quả của gió là làm mát con người, gió thổi làm tà áo bay phất phới, gió tác động làm rung rinh cả cánh rừng, có thứ gió Nam nóng bỏng, gió bấc rét cắt da thịt, gió bão làm hư hại nhà cửa mùa màng.

Nói tới gió tức là nói tới sức làm việc liên lỉ không ngừng. Gió không bao giờ ngủ, không bao giờ ngừng thổi. Gió tác động êm đềm nhưng có một sức mạnh phi thường. Điều đó ám chỉ Chúa Thánh Thần đầy quyền năng và sức mạnh, Ngài hằng tác động, biến đổi và thánh hoá chúng ta từ tội nhân nên Đấng thánh qua bí tích Giải tội, qua các bí tích. Liệu chúng ta có thể nhận ra Chúa Thánh Thần đang không ngừng tác động vào trong đời sống chúng ta hay không?

Như chúng ta kinh nghiệm rằng, gió thì không thể thấy nhưng ta cảm nhận sự hiện hữu của gió, bởi nếu không có sự tác động của gió thì làm sao thấy được những hệ quả mà ta cảm nhận được. Cũng như thế, Chúa Thánh Thần hằng luôn hiện hữu và tác động trong chúng ta, dẫu không thấy nhưng nhờ đức tin được ban qua bí tích Rửa tội. Nhờ đức tin mà cuộc sống của chúng ta phát sinh ra những hoa trái nhờ sự tác động của Thánh Thần. Hoa trái đó là “tình yêu, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân từ, lương thiện, trung tín, hiền hoà, tự chủ”. (Gal 5, 22-23). Đây chính là dấu chỉ và bằng chứng cho thấy Chúa Thánh Thần hằng luôn hoạt động và quyền năng Ngài không ngừng biến đổi chúng ta.

Liệu chúng ta có thể nhận ra Chúa Thánh Thần đang gìn giữ mối giây hôn nhân gia đình không? Chúng ta cần lắng lòng nghe thấy tiếng Chúa Thánh Thần bên bờ sông Giodan (x. Mt 4,17), trên núi Thabor, bên nấm mồ phục sinh, và trong ngày lễ Ngũ Tuần hiện xuống (x. Cv 2,1). Chúa Thánh Thần vẫn hằng tiếp tục làm việc không nghỉ, không ngơi. Chúng ta là những người đã được tái sinh bởi phép Rửa tội, chúng ta càng cần đến Chúa Thánh Thần để được Ngài canh tân đổi mới cho tới ngày thành công dân nước Trời.

Lạy Chúa là Ðấng hướng dẫn tâm hồn người tín hữu bằng ánh sáng của Thánh Thần, xin ban cho chúng con cùng một Thần khí ấy, được khôn ngoan và hoan lạc luôn mãi trong sự an ủi của Ngài, nhờ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.